Dọc các tuyến biên giới trên địa bàn TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu hay các huyện Tịnh Biên, An Phú… (An Giang), lâu nay vẫn tồn tại các điểm nóng về buôn lậu hàng hóa. Các đối tượng luôn tìm mọi cách để tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Phía ngoại biên đối diện, sát biên giới của tỉnh An Giang đang tồn tại 26 kho hàng, điểm tập kết hàng hóa. Trong đó, nhóm hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được các đầu nậu trữ hàng, tìm cách đưa sang Việt Nam. Sau đó chuyển đến các điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Mặc dù ngành chức năng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn thế nhưng tình trạng sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Về phía người nông dân, bên cạnh gánh nặng giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao, một nỗi lo khác chính là chất lượng phân bón không đảm bảo nhưng lại không có cách kiểm tra trước khi sử dụng.
Biết thì đã muộn
Ông Võ Văn Nghĩa (phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bức xúc: đại dịch COVID-19 khiến những người nông dân như ông đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Giá cả các loại phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao, thậm chí tăng hơn 2,5 lần so với vụ đầu vụ hè thu năm 2021, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận chẳng còn được là bao.
Đáng buồn hơn khi phân bón, thuốc BVTV dù được mua ở giá cao nhưng chất lượng lại không đúng như quảng cáo, giới thiệu trên bao bì. Người nông dân không có cách nào để kiểm tra trước khi mua sản phẩm, chỉ vỡ lẽ khi mang phân bón về bón cho cây trồng. Nắng mưa cả tháng trời, hạt phân vẫn trơ trơ trên nền đất. Lúc này chỉ biết kêu trời.
Còn với anh Châu Minh Tứ (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thì rơi vào cảnh “cười ra nước mắt”, chẳng biết kêu ai khi mua nhầm phân bón giả từ một thương lái chạy ghe trên sông. Anh Tứ chia sẻ, lợi dụng đường sá chưa thuận tiện, việc vận chuyển hàng hóa phụ thuộc vào đường thủy nên các thương lái chở theo phân, thuốc BVTV bằng ghe to vào tận các con kênh, rạch để bán. Đa số bà con nông dân ở đây mua phân thuốc đều được ghe chở phân vào tận nhà, giá lại thấp hơn tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp từ vài chục ngàn đồng/sản phẩm.
Dù cho bà con khi mua đều đã chọn những sản phẩm có thương hiệu, đã từng dùng ở các vụ mùa trước, nhưng khi mở bao bì ra thì chất lượng sản phẩm không đạt. Phân thì quến lại thành cục, bón được một thời gian mà phân vẫn không thể hòa tan vào đất. Lúc này, biết là mua trúng phân giả nhưng cũng không thể làm gì được vì thương lái đã đi khỏi địa phương.
Ma trận hàng nghìn loại phân bón
Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 2 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, 18 cơ sở sản xuất phân bón và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhãn hiệu và sản phẩm lên đến hàng nghìn loại, rất đa dạng, phức tạp. Thật khó để bà con nông dân có thể phân biệt rõ từng nhãn hàng, chủng loại. Hiểu biết hạn chế cùng tâm lý ham mua hàng giá rẻ đã khiến nhiều nông dân rơi vào bẫy của hàng giả, hàng kém chất lượng. Phía sau những lời quảng cáo “có cánh”, những phần quà khuyến mại hấp dẫn là nhiều thủ đoạn tinh vi như giả bao bì, giả nhãn hiệu, mập mờ thông tin để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí có loại còn trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét… để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón.
Tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm
Cuối tháng 10/2021, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã tuyên phạt Nguyễn Văn Bình (SN 1976) 8 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Bình cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Quyên (SN 1981, cùng ngụ TP Cần Thơ) thành lập Công ty TNHH MTV Bình Quyên có trụ sở tại TP Long Xuyên (An Giang), sau đó mở chi nhánh ở quận Thốt Nốt, hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng. Các đối tượng này đã tự tạo công thức và đặt tên cho 12 loại phân bón không được cấp phép sản xuất.
Nhằm tạo lòng tin đối với bà con nông dân, Bình chỉ đạo các cộng tác viên tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm. Ai có nhu cầu mua hàng, nhân viên sẽ tổng hợp đơn gửi về cho Quyên xuất hàng đi giao. Công ty thường bán thiếu nợ cho người mua, đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Tổng giá trị phân bón không phép do vợ chồng Bình làm ra là hơn 1,1 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện 23 vụ với 16 đối tượng có hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ mặt hàng vật tư nông nghiệp. Tổng tang vật là 45.117 chai, can, gói thuốc BVTV các loại. Trong đó, tịch thu, buộc tiêu hủy 3 vụ với 3.457 chai, can, gói thuốc BVTV; đang điều tra xác minh 7 vụ với 4 đối tượng; chuyển cơ quan Quản lý thị trường 2 vụ với 1 đối tượng; ra quyết định xử phạt VPHC 11 vụ với 11 đối tượng…
Phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân, về lâu dài còn ảnh hưởng lớn đến cả nền nông nghiệp. Chính vì vậy, chỉ khi dẹp được vấn nạn này, nông dân mới có thể yên tâm sản xuất.
Cổng Nông Dân
http://nongdan.com.vn/nguy-hiem-toi-pham-san-xuat-buon-ban-phan-bon-thuoc-bao-ve-thuc-vat-gia-12587.html?fbclid=IwAR08UR3bIhHtAKRal_GtcH5CEydkiHTbFng8PW8dUofCe1SZ76AggLqecyM