Truyền thông để nông dân hiểu đúng, đủ về thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm… có vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người thiếu hiểu biết, sử dụng sai cách.
Cuộc chiến chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Muôn kiểu lách luật
Chống thuốc bảo vệ thực vật độc hại: Kiến nghị ngành Công an, Thông tin – Truyền thông cùng vào cuộc
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như các yêu cầu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra.
Không ít những trường hợp hàng hóa nông sản xuất khẩu bị trả về do chứa dư lượng thuốc BVTV, chất kích thích… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Thực tế cho thấy, thuốc BVTV, chất bảo quản thực phẩm… vốn dĩ có vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm để nhằm thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm này bị hiểu sai, hiểu nhầm về công dụng.
Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông” do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) tổ chức chiều 8/12.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, buổi tọa đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất…
“Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền trên báo chí là rất cần thiết. Tuy nhiên, tuyên truyền thế nào cho đúng, cho trúng, cho hiệu quả”, ông Lợi nói và cho biết thêm, thông qua buổi tọa đàm, mong muốn đưa ra một góc nhìn về bức tranh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và các tiêu chí của thị trường nhập khẩu quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV– VIPA khẳng định, trong những năm qua, công tác truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp khi đã kịp thời phổ biến tiến bộ kỹ thuật, bám sát, phản ánh nhanh chóng những mô hình sử dụng thuốc BVTV, những loại thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thuốc BVTV sinh học cho các cấp quản lý, bà con nông dân và cộng đồng.
“Báo chí đã tích cực lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Cụ thể, trên thị trường đã có nhiều sản phẩm tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất như: thiết bị bay không người lái chuyên dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật, các thuốc BVTV hóa học thế hệ mới và thuốc BVTV sinh học”, ông Sơn nói và cho biết thêm, hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter… và các tin giả “được” lan truyền nhanh và rộng trên các nền tảng này, tạo hệ lụy không nhỏ đến xã hội, người sản xuất.
“Giữa “cơn bão” thông tin thật – giả lẫn lộn, vai trò tuyên truyền của các báo đài là vô cùng quan trọng. Qua đó, định hình lại sự nhiễu loạn thông tin, giúp nông dân và người tiêu dùng có cái nhìn chính xác về vai trò của của thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp”, ông Sơn khẳng định.
Còn ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Croplife Việt Nam thì cho rằng, một số phương tiện truyền thông, đặc biệt là các nền tảng mảng xã hội đang truyền tải những thông tin chưa chính xác, thiếu tính khoa học về thuốc BVTV, khiến cho người dân nhìn nhận về các sản phẩm này một cách tiêu cực.
“Thuốc BVTV là một nghiên cứu khoa học có cơ sở, đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp nếu dùng đúng cách. Do đó, trách nhiệm của các cơ quan báo chí truyền thông chính thống càng trở nên quan trọng trong việc đưa thông tin chính xác, để cộng đồng và đặc biệt là người nông dân hiểu đúng, hiểu đủ và sử dụng đúng cách về thuốc BVTV”, ông Bảo nói.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đánh giá, thuốc BVTV có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ước tính của tổ chức FAO, tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn thế giới hiện nay khoảng 40%. Việc sử dụng thuốc BVTV đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra khoảng 35-42%.
Trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn được sử dụng như là một trong những biện pháp để phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp và đạt hiệu quả kinh tế nhất.
Bạn đang đọc bài viết Truyền thông để nông dân hiểu đúng, đủ về thuốc bảo vệ thực vật tại chuyên mục Thuốc bảo vệ thực vật của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
https://nongnghiep.vn/truyen-thong-de-nong-dan-hieu-dung-du-ve-thuoc-bao-ve-thuc-vat-d370858.html