Chiều 8/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Kinh tế và Đô thị cùng Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) đã tổ chức tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (01/01/1999 – 01/01/2024) của Báo Kinh tế và Đô thị; khẳng định vai trò, trách nhiệm cũng như định hướng phát triển trên chặng đường mới của Báo. Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết: Tọa đàm nhằm tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất… Từ đó đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Muốn làm được điều này, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trong đó tuyên truyền trên báo chí là rất cần thiết. Với sự tham gia của các cơ quan quản lý, báo chí-truyền thông, các chuyên gia, các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chúng tôi mong muốn đưa ra một góc nhìn về bức tranh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và các giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và các tiêu chí của thị trường nhập khẩu quốc tế.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc toạ đàm
Tại tọa đàm, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng cũng như có giải pháp bảo vệ tốt các mặt hàng nông sản một cách khoa học và tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Cục Bảo vệ thực vật, Ban An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các siêu thị, chợ đầu mối… cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu cũng như đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn thực phẩm… Những giải pháp này sẽ góp phần đưa các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn cũng như gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu… Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, hoạt động sản xuất nông nghiệp phải phát triển theo chuỗi liên kết, hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn… và phải sử dụng hài hòa giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học, phải gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ưu tiên bố trí kinh phí, ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả…
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu tại tọa đàm
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản lượng phân bón hữu cơ được sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Ước tính, mỗi năm ngành trồng trọt nước ta sử dụng gần 12 triệu tấn phân bón hóa học các loại thì phải cần đến 36 triệu tấn phân bón hữu cơ các loại. Do vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam thì cần phải có chiến lược và sách lược cho tiến độ sản xuất và cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng. Chính phủ cần sớm có nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các bếp ăn tập thể, căng-tin, các nhà hàng, trường học… tăng cường sử dụng nông sản, thực phẩm, rau-quả hữu cơ. Nếu cần thiết có thể trợ giá thêm cho nông sản hữu cơ giống như một số quốc gia khác đã làm. Để sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì cần phải có quy hoạch vùng, ranh giới cho các vùng nông nghiệp hữu cơ để tránh nhiễm bẩn chéo từ các khu sản xuất nông nghiệp truyền thống và ô nhiễm bởi các nhà máy sản xuất công nghiệp. Việt Nam cần sớm có một hệ thống chứng nhận nông sản hữu cơ có tính pháp lý cao, uy tín và đáng tin cậy, được quốc tế chấp nhận. Đồng thời, tham gia làm thành viên các tổ chức, hệ thống, mạng lưới quốc tế về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương tới địa phương cần thông tin, tuyên truyền đúng, kịp thời cho mọi người dân biết về nông nghiệp hữu cơ.
HOÀNG NHIÊN
Tìm giải pháp sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm