THÔNG CÁO BÁO CHÍ Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”

Sáng ngày 19/12, tại TP Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM”.

Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xem là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng; ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại và dập tắt các đợt bùng phát dịch hại cây trồng trên diện rộng một cách nhanh chóng và kịp thời. Góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thống kê của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nếu trên toàn thế giới chi 35 tỷ USD để sử dụng các loại thuốc BVTV nhằm diệt trừ các loại sinh vật gây hại thì thu lại 350 tỷ USD, tức là gấp 10 lần.

Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại. Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu. Cả thuốc BVTV hóa học và sinh học đều mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam.

– Về lợi ích kinh tế: sử dụng thuốc BVTV giúp tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

– Về lợi ích xã hội: bảo đảm an ninh lương thực, khắc phục tình trạng thiếu nhân công, phát triển nông thôn thông qua bảo đảm cao thu nhập ổn định cho nông dân.

– Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho người và thức ăn chăn nuôi.

– Đảm bảo cung cấp nguyên liệu (cao su, bông…) cho công nghiệp chế biến.

– Một số thuốc BVTV còn góp phần phòng chống côn trùng y tế truyền bệnh, côn trùng gây hại vật nuôi.

Nhà báo Trần Cao – Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Người dùng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 nguyên tắc vàng”, đảm bảo thời gian cách ly và sử dụng thuốc BVTV hài hòa.

Kế hoạch hành động của Cục Bảo vệ thực vật đến năm 2030 sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Nhất là có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương đang phát triển các loại cây trồng trên sẽ có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Ở cấp xã, có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Một số mục tiêu cụ thể: phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học; trên 90% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

Thuốc BVTV đã được sử dụng trong các chương trình phòng chống sinh vật gây hại tổng hợp (IPC); Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM); Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Trong đó, chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đang được khuyến khích thực hiện.

Do đó, diễn đàn hôm nay không chỉ tạo không gian chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm mà còn là cơ hội để các bên liên quan thảo luận, hợp tác và xây dựng những giải pháp thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là vùng ĐBSCL.

Với sự chung tay của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hệ thống khuyến nông và đặc biệt là người nông dân, những giải pháp được đề xuất trong diễn đàn hôm nay sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp Việt Nam.