Hiện nay, thuốc trừ cỏ được sử dụng rộng rãi và khá phổ biến trên nhiều loại cây trồng, giúp cải thiện năng suất, tiết kiệm sức lao động, tăng thu nhập cho nhà nông. Tuy nhiên, để thuốc trừ cỏ đạt hiệu quả cao, an toàn, người sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc kỹ thuật, nhất là nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách).
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ những năm 1950, ở nhiều nước trên thế giới, thuốc trừ cỏ đã giữ một vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, tiết kiệm sức lao động cho người nông dân, cải thiện thu nhập nông hộ. So với các phương thức làm cỏ khác, thuốc trừ cỏ là công cụ quản lý cỏ dại phổ biến và được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Nếu không có các sản phẩm thuốc trừ cỏ, khoảng 40 đến 45% sản lượng nông nghiệp sẽ bị thiệt hại. Thêm vào đó, người nông dân sẽ phải trả chi phí cao gấp 20 lần cho phòng trừ cỏ dại bằng phương pháp thủ công.
Theo PGS, TS Nguyễn Trần Oánh, Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam, chuyên gia về thuốc BVTV, hiện nay, danh mục thuốc trừ cỏ được phép sử dụng tại Việt Nam có hơn 70 hoạt chất và nhiều hỗn hợp các hoạt chất thuốc trừ cỏ với nhau. Trong các loại thuốc BVTV đang được phép sử dụng tại Việt Nam thì thuốc trừ cỏ hóa học được sử dụng với khối lượng nhiều và phổ biến hơn cả do chi phí thấp, hiệu lực phòng trừ cỏ cao. So với thuốc trừ sâu và trừ bệnh, nói chung thuốc trừ cỏ an toàn hơn nhiều. Ở nồng độ và liều lượng khuyến cáo, thuốc trừ cỏ ít độc với người và động vật máu nóng, động vật hoang dã, ong; ít hay không độc với các loài ký sinh thiên địch, ít hại đến quần thể sinh vật và vi sinh vật đất, không làm chai đất. Phần lớn thuốc trừ cỏ dễ bị đất phân hủy, không tồn lưu lâu trong đất, bị đất hấp thụ, ít bị rửa trôi; thường không để lại dư lượng trên nông sản do dùng sớm, thời gian cách ly dài và do kỹ thuật dùng (không để thuốc tiếp xúc nhiều với cây). Dùng thuốc trừ cỏ tiện lợi, mang hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thuốc trừ cỏ, nông dân dễ canh tác, rút ngắn thời gian lao động, thực hiện đúng thời vụ, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực, nhất là ở miền núi và các trang trại. Thêm vào đó, nguồn sâu bệnh, chuột cũng bị hạn chế, giảm tác hại của chúng đến cây trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, việc dùng thuốc diệt cỏ đã trở thành thói quen của nhiều nông dân Việt Nam. Những năm 1970 của thế kỷ trước, lượng thuốc trừ cỏ dùng không đáng kể; thì nay lượng thuốc trừ cỏ vươn lên ngang với thuốc trừ bệnh, gần bằng thuốc trừ sâu cho cây trồng.
Tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng
Ở một số nơi, người dân dùng biện pháp che phủ để diệt cỏ thay cho thuốc trừ cỏ. Theo nhiều nhà khoa học, biện pháp này có tác dụng ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc với mầm cỏ. Thiếu ánh sáng, mầm cỏ không phát triển được, sẽ bị chết. Tuy nhiên, ở vùng sâu vùng xa, người dân khó có điều kiện để mua màng phủ trên một diện tích lớn như vậy. Hơn nữa, khi cỏ dại đã phát triển thành cây, biện pháp này sẽ không còn tác dụng. Nếu sản xuất trên diện tích rộng, nhân lực ít, không dùng thuốc trừ cỏ thì nông dân khó có thể diệt cỏ dại để kịp khung thời vụ.
Theo PGS, TS Nguyễn Trần Oánh, nhiều người không biết được lợi ích của thuốc trừ cỏ mà chỉ thấy mặt tiêu cực của chúng và coi thuốc trừ cỏ cũng độc như các thuốc BVTV khác. Thậm chí, có ý kiến cho rằng thuốc trừ cỏ giống như đi-ô-xin – nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như: ung thư, rối loạn thần kinh, vô sinh và nhiều bệnh tật khác, không chỉ gây bệnh cho người trực tiếp sử dụng mà còn di truyền sang thế hệ khác… Ðây là suy đoán thiếu căn cứ, phản khoa học.
Mặc dù thuốc trừ cỏ mang lại hiệu quả cao nhưng theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, tại Việt Nam vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, sử dụng thuốc quá liều lượng khuyến cáo, sử dụng sai mục đích. Trình độ nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của một số người sử dụng thuốc trừ cỏ là những nguyên nhân chính gây ra một số ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và môi trường trong thời gian gần đây. Ở một số nơi, vẫn còn tình trạng người dân dùng thuốc không đúng mục đích, không đúng thuốc, quá liều lượng, xử lý quá nhiều lần, không đúng thời điểm. Nhiều trường hợp người sử dụng thuốc trừ cỏ bị ngộ độc do không dùng đồ bảo hộ. Do vậy, việc phòng trừ cỏ dại cần thực hiện theo biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp. Nhà nông cần chọn lựa các thuốc trừ cỏ an toàn, phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam. Cơ quan chức năng cần tiến hành hoạt động truyền thông hướng dẫn, đào tạo nông dân sử dụng các thuốc trừ cỏ có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Người sản xuất trước khi sử dụng thuốc trừ cỏ cần tìm hiểu thông tin kỹ thuật trên bao bì nhãn mác các sản phẩm định sử dụng để biết và hiểu về dạng thuốc, tác động cũng như thời điểm áp dụng hay cách tác động của thuốc. Nhiều loại thuốc trừ cỏ có tác dụng chọn lọc đối với một số nhóm cỏ nhất định. Vì vậy, nông dân cần đọc kỹ thuốc đó có tác dụng hữu hiệu đối với những loại cỏ nào mà nhà sản xuất công bố trên bao bì để lựa chọn. Ðồng thời, dùng đúng loại thuốc cần thiết và dùng thuốc trừ cỏ theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách).