Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xâm hại trẻ em

Chiều nay, 27.5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục phiên giám sát tối cao, thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Kết thúc Phiên làm việc sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 22 ĐBQH phát biểu.

Sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong phiên thảo luận trực tuyến hôm nay, đã có 47 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; 2 vị đại biểu Quốc hội tranh luận; còn 6 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng do thời gian không đủ; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội vui lòng gửi ý kiến bằng văn bản cho Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn chung, ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này là rất đúng đắn có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Các vị đại biểu Quốc hội hoan nghênh Đoàn giám sát trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp với thời gian giám sát ngắn nhưng với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm đã hoàn thành mục tiêu và kế hoạch giám sát đã đề ra. Các đại biểu Quốc hội đã phân tích kỹ, sâu sắc và thấy rằng, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như: cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em… Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như: xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.

Các đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát dự báo tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Các đại biểu Quốc hội về cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá về công tác ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tán thành với nhận định của Đoàn giám sát, trong thời gian qua công tác này được quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều đạo luật chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ; Một số quy định xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; các văn bản pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đầy đủ, chưa phù hợp; tại nhiều địa phương, công tác này chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tán thành với những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trên cả 12 mặt công tác được nêu trong Báo cáo. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi các hành vi xâm hại trẻ em. Các đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới công tác giám định đối với trẻ em bị xâm hại, như rút ngắn thời gian giám định đặc thù, có phòng xét xử riêng… Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, bảo vệ trẻ em trong quá trình giải quyết các vụ xâm hại trẻ em. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em hiện nay còn thiếu về số lượng, lại kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã; kinh phí dành cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.

Các đại biểu Quốc hội phân tích sâu sắc các nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em, đồng ý với các nguyên nhân của những kết quả, hạn chế được nêu trong Báo cáo. Đồng thời, yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội, các chủ thể trong công tác này, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cũng tán thành với 6 bài học kinh nghiệm được rút ra. Bổ sung và nhấn mạnh thêm trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như phòng, chống xâm hại trẻ em; các đại biểu Quốc hội cũng phân tích sâu sắc và đề xuất thêm nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thiện Nghị quyết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

“Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhiều đầu việc, nhưng kinh phí chưa thỏa đáng

Phân tích các nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em, ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nêu rõ, trong nhiều nguyên nhân được xác định cần chỉ ra “nguyên nhân mấu chốt” để cải thiện tình trạng xâm hại trẻ em.

Trong số các hạn chế được chỉ ra, nhiều đại biểu đã phản ánh hạn chế về nhận thức, trách nhiệm, kiến thức trong công tác bảo vệ trẻ em, công tác tuyên truyền… Qua giám sát cũng cho thấy, nhiều cơ quan đã tích cực tham gia bảo vệ trẻ em nhưng “công tác phối hợp trong tuyên truyền để rõ từng đầu mối, sao cho đến đúng đối tượng đều chưa được làm tốt, ĐB Ngô Thị Minh thẳng thắn, “tới đây chúng ta cần làm tốt hơn công tác này”. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường hướng dẫn kỹ năng, kiến thức cho cha mẹ, trẻ em…


Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu

Tại các Điều 53 và 72 của Luật Trẻ em quy định 11 nhiệm vụ, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Các ĐBQH đều thấy, do chúng ta đã giải thể Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, nên ĐB Ngô Thị Minh đề nghị, tới đây Bộ Nội vụ sẽ phải phối hợp sâu hơn với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tính lại bố trí cán bộ làm công tác này ở cấp xã hiện nay đã đúng chưa và có phù hợp hay không? Đoàn giám sát đã chỉ ra, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã không thể đảm đương đầy đủ 11 nhiệm vụ quy định trong Luật Trẻ em. Chưa kể đến đầu mối là cơ quan phối hợp và nòng cốt trong cơ chế phối hợp này, đặc biệt là cơ chế “một cửa” để tiếp nhận thông tin về các vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em ở cấp xã có liên thông với đường dây nóng 111 không? Đây là vấn đề quan trọng cần được quan tâm, ĐB Ngô Thị Minh nói.

Hàng loạt vấn đề cũng được ĐB Ngô Thị Minh nêu ra, đó là trong các cơ sở giáo dục, việc bố trí nhân viên công tác y tế học đường, nhân viên tư vấn tâm lý học đường, lồng ghép bố trí các cán bộ làm công tác khác trong học đường như thế nào? Chúng ta cũng phải có sự phối hợp sâu hơn giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhằm hướng dẫn các cơ sở giáo dục làm tốt hơn việc này. “Nếu không, thì chúng ta mới chỉ đưa ra giải pháp mà chưa tháo gỡ được khó khăn”.

Liên quan đến vấn đề ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em, qua đầu mối của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, có nơi còn quá thấp, chỉ 100 triệu đồng/năm ở một tỉnh. ĐB Ngô Thị Minh cho rằng, với rất nhiều đầu việc, trong đó công tác bảo vệ trẻ em có ba cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp mà kinh phí lại chưa được quan tâm thỏa đáng.

Pháp luật đã có – chỉ cần thực hiện đúng

Đa phần trẻ em Việt Nam được hưởng sự chăm sóc và tình yêu thương của gia đình và toàn xã hội. Đảng và nhà nước ta cũng thường xuyên chăm lo điều này. Khẳng định điều này, song ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng thừa nhận thực tế “vẫn còn tình trạng xâm hại trẻ em và bạo lực đối với trẻ em là một trong những hình thức xâm hại trẻ em.


Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu

Theo Báo cáo kết quả giám sát, số vụ bạo lực đối với trẻ em bị phát hiện, xử lý không nhiều so với số vụ xâm hại tình dục trẻ em (857 trẻ, chiếm 9,84% tổng số trẻ bị xâm hại). Nhưng trong thời gian gần đây tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra. Gia đình, đáng lẽ là mái nhà bình yên che chở cho tuổi thơ lại trở thành nơi bạo hành và tạo những ký ức hãi hùng cho trẻ. Đây không còn là chuyện của một gia đình mà là câu chuyện của toàn xã hội.

Có thể kể đến một số vụ việc gây chấn động dư luận, như vụ cháu bé ở Kiên Giang bị chính cha đẻ tra tấn dã man, không được đi học, không được ăn uống tử tế, dẫn đến ốm yếu, suy kiệt, vụ việc đến cuối năm 2017 mới bị phát giác. Vụ cháu bé ở Nghĩa Đô, Hà Nội bị bố đẻ và mẹ kế đánh đập đến gãy sương sườn, rạn sọ não. Vụ bé trai một tuổi bị mẹ ruột bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Nghiêm trọng hơn nữa, vụ cháu bé ở Bình Phước thường xuyên bị nhân tình của mẹ chửi bới và đánh đập. Hậu quả là cháu bị tra tấn đến tím tái, hôn mê và tử vong. Cái chết của cháu đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em.

Dẫn ra hàng loạt câu chuyện đau lòng, ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, “đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội”. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người. Trẻ thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc thù hận đối với xã hội. Hành vi của trẻ trong tương lai cũng dễ bị lệch lạc.

Trên đây chỉ là những vụ việc được phát hiện và bị xử lý. Các chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân không thể phản kháng, chọn cách im lặng vì lo sợ hoặc ngại tố cáo.

Một vấn đề nữa liên quan đến việc thống kê khi theo Phụ lục số 2 của Báo cáo Chính phủ, trong thống kê về số vụ bạo lực trẻ em thì chỉ thống kê được số vụ hành hạ, ngược đãi, đánh đập (gồm số trẻ bị chết và bị cố ý gây thương tích) mà không thống kê được số vụ bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và các hành vi khác gây tổn hại về thể chất và tinh thần. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, bạo lực tinh thần thoạt nhìn có vẻ không gây hậu quả nghiêm trọng như bạo lực thể chất, song nó để lại hậu quả nặng nề không kém cho nạn nhân. Trẻ em bị bạo lực về tinh thần phải hứng chịu sự giày vò bằng những lời lẽ có tính chất nhục mạ, đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý hoặc thờ ơ, vô trách nhiệm, lạnh nhạt… đã gây ức chế, sang chấn tâm lý, hoảng loạn tinh thần cho trẻ.

Đây là những “phần chìm của tảng băng nổi” mà chúng ta chưa thể thống kê chính xác, để từ đó có thể đưa ra những đánh giá và giải pháp phù hợp, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song trước hết, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, phải kể đến “nhận thức của một số cá nhân trong cộng đồng”. Quan niệm về giáo dục trẻ bằng đòn roi với lối suy nghĩ “thương cho roi cho vọt”, “con hư thì phải dạy” đã ăn sâu khiến một số người lớn coi chuyện đánh đập, đối xử hung bạo với con trẻ là bình thường. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thì kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Ngoài ra, một số cha mẹ khi gặp khó khăn bức xúc ngoài xã hội sẵn sàng về nhà trút cơn thịnh nộ lên đầu những đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Một số cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; có lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với con cái. Một số cha mẹ có tình yêu con, nhưng lại hành xử một cách mù quáng, dại dột. Như trường hợp, có người mẹ vì lâm vào tình trạng bế tắc trong cuộc sống mà quyết định quyên sinh nhưng kéo theo cả những đứa con vô tội, tước đi quyền cơ bản nhất của con trẻ là quyền được sống, chỉ vì ý nghĩ mình chết đi thì các con ở lại sẽ khổ.

Đáng lo ngại là tình trạng này ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng ở mức nghiêm trọng mới được phát giác. Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù… khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi vi phạm này.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Nhiều vụ việc chính quyền không phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thực hiện phòng, chống bạo lực trẻ em còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả.

Trước thực trạng nêu trên, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề xuất, về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính, “vấn đề là chỉ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em đã có thể tốt hơn rất nhiều”.

Một điều đáng ghi nhận là, năm 2017 Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em tạo ra một cơ chế điều phối liên ngành để phối hợp hoạt động và chia sẻ, kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp vận hành cơ chế này một cách hiệu quả, thực chất nhất, tránh hình thức”, ĐB Mai Thị Phương Hoa nói.

Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Đối với những trường hợp cụ thể, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bố hoặc mẹ bạo hành thì phải cách ly bé khỏi người bố hoặc người mẹ đó ngay lập tức và giao trẻ cho những người thân khác chăm sóc. Trường hợp không có người thân nào khác, thì chính quyền có trách nhiệm tạm thời chăm sóc, giáo dục trẻ.

Và cuối cùng, quan trọng hơn cả, theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, đó là tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Đối với một số người, thay đổi nhận thức là điều khó khăn, nhưng nếu chúng ta có thể cho họ những lý do hợp lý và xác đáng, thì việc thay đổi là hoàn toàn khả thi. Cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ thông qua mạng Internet, mạng xã hội để thúc đẩy cộng đồng và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền để chính các em có nhận thức là mình có quyền được bảo vệ khỏi nạn bạo hành bất kể dưới hình thức, mức độ nào và bất cứ ai.

Để câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” không còn chỉ là khẩu hiệu, ĐB Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh: “Từng cá nhân và cả cộng đồng cần chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ và thực chất hơn để trẻ em được sống trong tình yêu thương của gia đình và toàn xã hội”.

Quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương

Phân tích thêm và đề xuất một số giải pháp góp phần bảo vệ tốt nhất trẻ em, ĐBQH Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu vấn đề: Việc xây dựng gia đình an toàn làm chỗ dựa tinh thần định đình cho trẻ em là rất cần thiết. Gia đình là nơi ấm áp nhất, an toàn nhất quyết định phần lớn nhân cách của trẻ em. Nhưng hiện nay, một số gia đình không còn là chỗ dựa của trẻ.

Theo báo cáo, những trẻ em bị xâm hại do người thân trong gia đình gây ra chiếm 65 – 88% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. Khi tìm hiểu, được biết hầu hết các gia đình đều nghèo, trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết gì về pháp luật, sống tách biệt với môi trường xung quanh, ít có mối quan hệ với cộng đồng. Chính quyền địa phương, mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội thiếu sâu sắc, ít quan tâm đơn vị gia đình có các đặc điểm cách biệt như thế nên đã để xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em gây hậu quả rất thương tâm.


Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phát biểu

Dẫn ra hiện trạng trên, ĐB Lưu Thành Công đề nghị, trong báo cáo cần bổ sung và khẳng định rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội đặc biệt ở xã, thôn trong việc xây dựng gia đình an toàn. Tăng cường quan tâm nhiều hơn nữa đối với các gia đình yếu thế, hình thành những gia đình lành mạnh, an toàn để bảo vệ tốt nhất trẻ em.

Liên quan đến việc xây dựng môi trường xã hội an toàn, ĐB Lưu Thành Công nhận thấy, chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em. 25 quyền của trẻ em được quy định tại Chương II trong Luật Trẻ em chưa được triển khai thực hiện quyết liệt. Vì thế, nhiều quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần, các em chưa được tiếp cận. Trong 3 cấp độ bảo vệ trẻ em được quy định tại Chương IV trong Luật Trẻ em, trong đó cấp độ phòng ngừa được quy định tại Điều 48 là rất quan trọng. Phòng là chính nhưng việc triển khai thực hiện chưa tốt. Việc điều tra trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ yếu thế có nguy cơ bị xâm hại, việc đến địa bàn đến hộ gia đình tư vấn để ngăn ngừa xâm hại trẻ em thì các địa phương chưa làm tốt quy định này nên đã để xảy ra nhiều vụ việc trẻ bị ngược đãi, xâm hại, hậu quả rất đau lòng.

Trước thực tế này, ĐB Lưu Thành Công đề nghị trong các giải pháp tới đây cần có những quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và chỉ ra tại Phiên thảo luận, đó là số cán bộ đang làm công tác trẻ em còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều, thường xuyên thay đổi, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Những hạn chế bất cập này diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa khắc phục được. Đây là một trong những nguyên nhân gây yếu kém trong công tác trẻ em hiện nay mà Báo cáo giám sát đã nêu.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ trẻ em các cấp. Kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc, yêu cầu huyện phải có cán bộ làm chuyên trách trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay, nhất thiết mỗi sở phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách nhưng nhiệm vụ chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác”, ĐB Lưu Thành Công kiến nghị.

Hành lang pháp lý chưa hẳn là “ngôi nhà” an toàn, kiên cố, vững chắc

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em theo Quyết định 1235 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của trẻ em như sau: Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại được xây dựng trên nền tảng nào? Vì chúng cháu nhận thấy, nó không bảo đảm cho sự vững chắc của một ngôi nhà bảo vệ trẻ với đầy đủ các kết cấu: nền móng, trụ cột và mái che. Hơn hết nó cần được bao phủ an toàn bằng tình yêu thương và trách nhiệm đối với trẻ.

Dẫn ra ví dụ nêu trên, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhận thấy, bên cạnh những mặt công tác đã làm được mà Báo cáo kết quả giám sát đã nêu rõ, thì cách tiếp cận này từ góc nhìn của trẻ đã đặt ra một vấn đề ngược lại: Phải chăng, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nhìn vào “nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ chưa thì vẫn chưa đủ”? Hay nói cách khác hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một “ngôi nhà” chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc.

Cho rằng xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà” an toàn bảo vệ trẻ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền đề xuất, cần bắt đầu từ việc xây dựng nền móng, đó chính là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ, đặc biệt là nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác này. Tiếp đó là xây dựng 3 trụ cột cơ bản, đó là nhóm chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ, về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Và, cuối cùng là “mái nhà”, đó là những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Trong 3 yếu tố cơ bản này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền “đặc biệt quan tâm đến xây dựng nền móng”. Bởi, khi nền móng ấy lung lay, nó sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.

Liên quan đến câu chuyện nguồn lực, theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được bảo đảm, đủ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì “xin khẳng định luôn, đó chỉ là một câu chuyện cổ tích”. Chỉ nói riêng đến phòng, chống xâm hại trẻ em, muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí riêng. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều nhưng kinh phí để thực hiện lại chẳng có bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn. Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng ĐB Phạm Thị Minh Hiền cũng nêu rõ, “nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án nghìn tỷ đồng từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn, đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng toang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa”. Liệu rằng, khi ghép hai hình ảnh ấy lại, thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?

Đặt ra câu hỏi này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, một “ngôi nhà” mà các yếu tố tạo nên nền móng lại là thứ yếu và thiếu, thì làm sao nền móng ấy sẽ làm tốt chức năng chống đỡ, chịu lực cho toàn bộ ngôi nhà an toàn dành cho trẻ, để các trụ cột, mái che của ngôi nhà bảo vệ trẻ được trụ vững mà không khỏi lung lay?

Đồng tình với các kiến nghị và nhóm giải pháp đã nêu trong Báo cáo kết quả giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội, ĐB Phạm Thị Minh Hiền “tin rằng việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu.

Những giải pháp đó trước hết là đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục nâng cao giá trị con người, là đầu tư đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, trực tiếp làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thứ hai, cần có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu, đối với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, xử lý trách nhiệm như thế nào, mức độ nào, thời gian tới cũng cần đươc làm rõ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền nói.

Thứ ba, tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý.

Có nguyên nhân từ sự quản lý của nhà nước

Đa số ý kiến của ĐBQH nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Đoàn giám sát của Quốc hội. Đồng thời, phân tích, làm rõ những tác hại của việc xâm hại trẻ em.

Đề cập đến tác hại của việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và bất cập trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhiều đại biểu nêu rõ, công nghệ thông tin là thành tựu của sự phát triển khoa học và công nghệ, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Theo chiều hướng tích cực, công nghệ thông tin mang lại cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thông qua công nghệ thông tin, trẻ em có cơ hội học tập, tìm hiểu, khai thác thông tin, kiến thức giải trí mà các em quan tâm qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Công nghệ thông tin cũng mang đến cơ hội kinh tế bằng cách cung cấp cho những người trẻ tuổi cơ hội đào tạo và dịch vụ phù hợp với công việc, tạo ra các loại công việc mới.

Theo hướng tiêu cực thì nhiều trẻ em vì quá đam mê công nghệ thông tin mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý và tệ hại hơn là đã có trẻ em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, tham gia cờ bạc trực tuyến, bị quấy rối tình dục, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực, dẫn đến phải tự tử hoặc vi phạm pháp luật. Theo ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), thì “đây là tình trạng đáng báo động và là “tảng băng chìm” rất khó xác định về số lượng trẻ em bị xâm hại trong thực tế”.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Cầm Thị Mẫn cho rằng, “có nguyên nhân từ sự quản lý nhà nước”, trong đó có các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng “vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ”. Thiếu các văn bản quy định việc nhận dạng dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn cũng như sự phối hợp của các ngành, các cấp và gia đình trong phòng ngừa, tiếp cận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, trẻ em bị mua bán trên môi trường mạng còn chưa cụ thể. Việc can thiệp, xử lý của cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng và các cá nhân sử dụng mạng để thực hiện hành vi xấu đối với trẻ em chưa thực sự hiệu quả. Có vụ việc vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, xâm phạm quyền, lợi ích trẻ em trên môi trường mạng mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền trẻ em trên môi trường mạng, ĐB Cầm Thị Mẫn đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và tổ chức thi hành nghiêm túc các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó có nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

Chính phủ ban hành Chỉ thị triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có chính sách quan tâm đến đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật An ninh mạng. Có giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên trong giáo dục truyền thông hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát sự tiếp cận, sử dụng môi trường mạng một cách an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Cần có chế tài kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Nhà nước bố trí đầy đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

A. Phương – Đ. Thủy – T. Chi – H. Ngọc – T. Thành – H. Long
Ảnh: Quang Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *