Nhân rộng Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”

Nông dân xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La) thu dọn, bỏ vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vào các thùng chứa sau khi sử dụng.

Sau những hiệu quả tích cực tại 22 tỉnh, thành phố phía nam, Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tiếp tục được các đơn vị, doanh nghiệp cũng như nhà nông đồng hành và đem lại nhiều kết quả khả quan. Đáng mừng, chương trình đã lan tỏa tới các tỉnh, thành phố phía bắc và cho nhiều tín hiệu tích cực.

Khẳng định hiệu quả

Trước thực trạng người dân vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi sau khi sử dụng, vụ đông xuân năm 2012 – 2013, Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía nam, 22 Chi cục Trồng trọt và BVTV phía nam (Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ), kết hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Theo đó, chương trình thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng và vận chuyển về nhà máy tiêu hủy an toàn, không ảnh hưởng môi trường. Trải qua tám năm, chương trình đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức của cộng đồng trong quá trình sử dụng, xử lý rác thải thuốc BVTV. Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2019, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tiếp tục xây dựng nhiều mô hình mới với tổng diện tích thực hiện lên tới 1.839 ha trên đa dạng các loại cây trồng như: lúa, thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sầu riêng, bưởi… Thấy được hiệu quả của chương trình, trong năm 2019, đã có 1.782 hộ với gần 14 nghìn người trực tiếp tham gia thực hiện. Chương trình còn xây dựng 255 bể chứa bao bì BVTV và vận động nông dân thu gom hơn 12,2 tấn kg vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng… Để phong trào ngày một lan tỏa, cũng trong năm 2019, chương trình đã phát gần 27 nghìn tờ rơi, dán hơn một nghìn pốt-tơ thông tin về các hoạt động của chương trình tại các địa điểm tập huấn. Nhờ vậy, nhiều mô hình mới đã được hình thành. Đơn cử, tại mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” trên cây hồ tiêu tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, riêng năm 2019 chương trình đã lắp đặt năm bể chứa tại xã Hòa Hiệp và vận động 500 hộ nông dân tham gia. Sau một năm thực hiện, đã có 936 kg bao bì thuốc BVTV qua sử dụng được thu gom và tiêu hủy đúng theo quy định. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức 50 lớp tập huấn với hơn 1.760 lượt nông dân tham gia, dán 100 pốt-tơ các nơi công cộng và phát hơn 1.760 tờ rơi về tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Từ hiệu quả của chương trình tại các tỉnh, thành phố phía nam, nhằm nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV và hướng đến xây dựng vùng sản xuất an toàn cho các vùng xuất khẩu nông sản chủ lực, Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Hiệp hội CropLife Việt Nam đã triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Thông qua các trang trại hợp tác xã, khu nông nghiệp, chương trình đã có nhiều hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, tổ chức các lớp tập huấn được lồng ghép và thực hiện đồng thời trong quy trình sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, có sự gắn kết từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh như: xoài, nhãn, mận hậu, chuối… Theo báo cáo của CropLife Việt Nam, sau hai năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các hộ dân xây dựng và lắp đặt 75 bể chứa bao thuốc BVTV sau sử dụng tại bốn hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xuất khẩu, tổng lượng vỏ bao thu gom đạt hơn 200 kg/năm. Ngoài ra, chương trình cũng tổ chức các lớp tập huấn về quy trình hiện hành trong công tác quản lý về thuốc BVTV cho 30 cán bộ chính quyền và 600 nông dân (tương đương 25 lớp), qua đó nâng cao năng lực quản lý, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện nguyên tắc “bốn đúng” trong sử dụng và thu gom bao thuốc BVTV.

Mở rộng mô hình tại nhiều vùng sản xuất

Trưởng bản Văng Lùng, xã Chiềng Hạc, huyện Yên Châu Hà Văn Hải cho biết: “Chúng tôi có hai hợp tác xã trồng xoài với tổng diện tích gần 40 ha được cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a. Hầu hết nông dân trong bản là người dân tộc thiểu số, việc các cán bộ của chi cục cũng như các doanh nghiệp đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân đã mang lại hiệu quả rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn mà ý thức sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV của nông dân đã được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi mong muốn, chương trình tiếp tục được mở rộng tại nhiều địa phương khác ở cả trong và ngoài tỉnh Sơn La”.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết, những dự án nằm trong chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” được triển khai có sự tham gia của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp là hội viên Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) và một số doanh nghiệp khác, hợp tác xã, nông dân đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả. Mặc dù tại nhiều địa phương, thời gian triển khai chương trình này chưa lâu, nhưng đến nay đã có rất nhiều người dân nhận thức được sự nguy hại khi lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách thuốc BVTV, thậm chí ở nhiều địa phương đã đưa cả quy định dùng thuốc BVTV đúng cách vào hương ước, quy ước của thôn, bản.

Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt, các hoạt động của chương trình nằm trong vùng trồng lúa gạo, cây ăn quả, rau màu chủ lực đã góp phần nâng cao chất lượng, tính an toàn về dư lượng thuốc BVTV cho sản phẩm, tạo được uy tín trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Hoạt động của dự án có tính ứng dụng cao, thực tế, hiệu quả, cần thiết đối với nông dân, đặc biệt chú trọng đào tạo, tập huấn nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng, an toàn và có trách nhiệm đã cung cấp giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giải quyết tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, ý thức bảo vệ môi trường cũng như việc tiêu hủy bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng của người dân ngày một nâng cao và có trách nhiệm hơn.

Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” mang lại hiệu quả tích cực nhưng theo đánh giá của nhiều địa phương, đối tượng hưởng lợi từ chương trình này còn ít. Việc triển khai hoạt động của tổ dịch vụ BVTV chưa đạt được hiệu quả cao do hiện nay hầu hết các hộ gia đình tự thực hiện kiểm tra tình hình dịch hại, phun thuốc BVTV. Để phong trào “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” ngày một lan tỏa, đi sâu vào thực tiễn, cơ quan chức năng cần tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, nâng cao về sử dụng thuốc BVTV, năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ BVTV tại vùng dự án đã thực hiện. Khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào việc mở rộng dự án tại nhiều vùng trồng các loại nông sản chủ lực. Đồng thời, tiếp tục lan tỏa thông điệp và hiệu quả của chương trình đến với đông đảo người dân…

Minh Huệ
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhan-rong-chuong-trinh-cung-nong-dan-bao-ve-moi-truong-450953/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *