Nghiên cứu và sử dụng thuốc BVTV sinh học: Kinh nghiệm Ấn Độ, Trung Quốc
Mục tiêu của các quốc gia này là dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Chiến lược và hành động của họ thế nào?
Cuộc cánh mạng ‘xanh mãi mãi’ tại Ấn Độ
Ấn Độ là đất nước nông nghiệp chịu thiệt hại nặng do sâu bệnh, vì vậy công tác bảo vệ cây trồng được đặc biệt quan tâm. Các nhà khoa học Ấn Độ ước tính, thiệt hại do sâu bệnh, cỏ dại gây ra tại Ấn Độ bình quân hàng năm khoảng 35-40% trên đồng ruộng và 9-10% ở giai đoạn sau thu hoạch. Ấn Độ nổi tiếng với cuộc Cách mạng xanh (Green revolution) vào những năm 1960-1970, tuy nhiên cũng phải đối mặt với những hậu quả của việc sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Nhiều năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành và thực hiện nhiều sáng kiến, chính sách trong thực tiễn để thúc đẩy quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Quản lý dịch hại trên nền tảng sinh học (Biological based IPM); Phát triển nông nghiệp hữu cơ; chuyển đổi cuộc Cách mạng xanh (Green Revolution) sang Cách mạng “Xanh mãi mãi” (Ever-green Revolution), trong đó quan tâm đặc biệt đến việc ưu tiên, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học.
Thuốc thảo mộc tách chiết từ hạt Neem (xoan Ấn Độ) và thuốc vi sinh (Microbial biopesticides) là các loại thuốc sinh học được sản xuất, thương mại hóa và sử dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ.
Trichoderma viridae là hoạt chất thuốc BVTV vi sinh thông dụng, rẻ nhất, nhưng rất hiệu quả tại Ấn Độ, với 250 tên thương phẩm được đăng ký, sử dụng trên 87 loại cây trồng khác nhau để phòng chống 70 loại bệnh hại trong đất và 18 loại bệnh trên lá.
Năm 2022, Ấn Độ có 970 tên thương phẩm thuốc BVTV sinh học được đăng ký. Giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học của Ấn Độ đạt 69.62 triệu USD chiếm khoảng 9% giá trị thị trường thuốc BVTV, dự báo sẽ đạt trên 130 triệu USD vào năm 2029. Với mức tăng trưởng bình quân gần 10% năm, dự báo đến khoảng 2040-2050, giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học của Ấn Độ sẽ bằng và vượt giá trị thị trường thuốc BVTV hóa học.
Hiện tại, Ấn Độ có 410 cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học, trong đó 130 cơ sở tư nhân và 280 cơ sở của Nhà nước. Chính phủ Ấn Độ cấp kinh phí hàng năm hỗ trợ cho 31 viện, trường, 22 Sở Công nghệ sinh học của các bang, 98 phòng thí nghiệm đấu tranh sinh học của Ấn Độ nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc BVTV sinh học.
Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông dân của Ấn Độ và Bộ Khoa học Công nghệ Ấn Độ hàng năm cấp kinh phí hỗ trợ 32 Trung tâm IPM và 35 doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV sinh học.
70% lượng thuốc BVTV sinh học tại Ấn Độ do các cơ sở thuộc khu vực nhà nước sản xuất. Trong 10 năm gần đây, lượng thuốc BVTV sinh học được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp của Ấn Độ tăng 23%, trong khi đó lượng thuốc hóa học sử dụng trên đồng ruộng chỉ tăng 2%. Như vậy, Ấn Độ là một trong các quốc gia châu Á tạo được sự chuyển biến khá mạnh mẽ trong việc sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Động lực chính của việc tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Ấn Độ là nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và phát triển bền vững cùng với sự hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học của nhà nước.
Dự báo trong thời gian tới, tại Ấn Độ các loại thuốc BVTV vi sinh sẽ được phát triển và sử dụng rộng rãi hơn. Dạng chế phẩm phun lên lá (Foliar application) sẽ ngày càng phổ biến vì dễ sử dụng và có hiệu lực cao.
Trung Quốc: Mục tiêu đến 2050 không dùng thuốc hóa học
Theo CIRS (2021), đến tháng 11 năm 2021, tổng số hoạt chất thuốc BVTV sinh học được đăng ký tại Trung Quốc là 120 (tương đương 15% tổng số hoạt chất thuốc BVTV của cả nước), gồm 38 hoạt chất sinh hóa, 52 hoạt chất vi sinh, 27 hoạt chất thảo mộc với 2.500 tên thương phẩm, chiếm 3.6% tổng số sản phẩm được đăng ký là thuốc BVTV. Giá trị thị trường thuốc BVTV sinh học của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng giá trị thị trường thuốc BVTV.
Trung Quốc đã đề ra Chiến lược “Quản lý dịch hại xanh” (Green Pest Management) với mục tiêu đến năm 2050 chuyển sang nền nông nghiệp không sử dụng thuốc BVTV hóa học (Chemical Pesticide- Free Agriculture). Năm 2020, tại Trung Quốc đã có 67 triệu ha canh tác và 41.5% các cây trồng chính áp dụng quản lý dịch hại xanh.
Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc BVTV sinh học.
Kể từ năm 2017, lượng thuốc hóa học sử dụng trên đồng ruộng của Trung Quốc dừng tăng, sau đó giảm dần, trong khi đó lượng thuốc sinh học BVTV được sử dụng đã tăng đáng kể, giai đoạn 2020- 2025, tăng trưởng thị trường thuốc BVTV sinh học của Trung Quốc bình quân là 4.6%/năm.
Để thuận tiện cho việc đăng ký thuốc với các yêu cầu cụ thể, phù hợp, tùy thuộc vào cơ chế tác động và độ an toàn của thuốc, Trung Quốc phân loại thuốc BVTV sinh học thành các nhóm chính như:
– Thuốc sinh hóa (chủ yếu là pheromone);
– Thuốc thảo mộc (botanical);
– Thuốc vi sinh (microbial). Đáng chú ý là thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng (Plant growth regulators – PGRs) và các chất kháng sinh nông nghiệp (agricultural antibiotics) được xếp vào thuốc BVTV sinh học tại Trung Quốc.
Các giống cây trồng biến đổi gen kháng sâu bệnh cũng được coi là sản phẩm BVTV sinh học và được tính vào biopesticides.
Thiên địch, côn trùng, nhện có ích là sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học được ưu tiên, khuyến khích sản xuất, sử dụng không cần đăng ký tại Trung Quốc.
Quy định về thủ tục đăng ký thuốc BVTV sinh học tại Trung Quốc được đơn giản hóa, thời gian chờ đăng ký tạm thời mất khoảng 3-4 tháng; thời gian chờ đăng ký chính thức chỉ mất dưới 12 tháng, trong khi đó đăng ký thuốc hóa học mất tối thiểu 3 năm. Chi phí cho đăng ký thuốc BVTV sinh học cũng thấp hơn nhiều lần so với chi phí đăng ký thuốc hóa học.
Số lượng hoạt chất thuốc sinh học ở Trung Quốc có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với nhiều loại thuốc mới đã xuất hiện trên thị trường. Từ năm 2017 đến năm 2020, có 72 hoạt chất thuốc BVTV mới được đăng ký tại Trung Quốc, trong đó có 31 hoạt chất thuốc trừ sâu sinh học, chiếm 43%. Tỷ lệ hoạt chất thuốc BVTV sinh học đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý hạt giống tại Trung Quốc đang được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn để thúc đẩy sinh trưởng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của cây trồng từ giai đoạn sớm.
Để hỗ trợ phát triển xanh trong nông nghiệp, hoạt động bán buôn và bán lẻ thuốc BVTV sinh học tại Trung Quốc được miễn thuế VAT và thuế suất VAT của các hoạt động kinh doanh liên quan đến thuốc BVTV sinh học đã giảm từ 13% xuống 9%. Ngoài ra, các công ty phát triển công nghệ mới còn nhận được khoản khấu trừ thuế 75% cho chi phí nghiên cứu – phát triển của họ. Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông dân (MoARA) có kế hoạch đẩy nhanh quá trình thương mại hóa thuốc BVTV sinh học bằng cách thiết lập và triển khai nhanh chóng và hiệu quả chính sách tài chính và thuế.
MoARA đã cung cấp hỗ trợ đáng kể trực tiếp cho các viện nghiên cứu khoa học trong việc phát triển sản phẩm, tích hợp kỹ thuật và thử nghiệm trình diễn thuốc BVTV sinh học từ thiên địch và thuốc sinh học có nguồn gốc tự nhiên tại 600 khu trình diễn quản lý dịch hại tổng hợp hóa học – sinh học, 150 vùng xanh và hàng chục khu bảo vệ côn trùng thụ phấn. Năm 2018, 29,4% cây trồng chính được xử lý bằng công nghệ xanh chống sâu bệnh. Trung Quốc đã thực hiện “Kế hoạch chiến lược quốc gia về tái thiết nông nghiệp thông qua nâng cao chất lượng (2018-2022)” và MoARA đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khuyến nông sử dụng thuốc BVTV sinh học. Tổng số vùng/ quận áp dụng biện pháp phòng ngừa xanh là 300 vào năm 2022 tại Trung Quốc.
Về khuyến khích tài chính, MoARA đảm bảo có thêm quỹ trung ương để hỗ trợ phổ biến thuốc BVTV sinh học: 800 triệu nhân dân tệ quỹ đặc biệt được sử dụng để quản lý dịch hại tổng hợp hóa học – sinh học và 10 triệu NDT ngân sách cấp bộ cho các hoạt động khuyến nông được phân bổ năm 2022. Chính quyền các tỉnh cũng đã trợ cấp tích cực cho việc sử dụng thuốc BVTV sinh học hoặc phòng trừ sinh học. Ví dụ, Cát Lâm chi khoảng 90 triệu NDT mỗi năm để kiểm soát sâu đục thân ngô và lúa bằng cách thả Trichogramma; mức trợ cấp ở Thượng Hải là 5.33-10 NDT/ha cho việc sử dụng thuốc sinh học, kể cả Spinosad. MoARA cam kết tăng cường nỗ lực hỗ trợ thuốc BVTV sinh học bằng kế hoạch khả thi và hỗ trợ tài chính nhiều hơn.
Cùng với chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV sinh học, Trung Quốc cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng thuốc và chống gian lận thương mại. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, các vi phạm thường gặp trên thị trường liên quan đến thuốc BVTV sinh học như sau:
– Một số sản phẩm sinh học đăng ký sang kênh phân bón, sau đó quảng cáo, hướng dẫn sử dụng như thuốc BVTV sinh học;
– Nhiều loại phân bón vi sinh bản chất là phân bón nhưng được quảng cáo có tác dụng như thuốc BVTV sinh học;
– Khi đăng ký, doanh nghiệp sử dụng chủng vi sinh có hoạt lực cao, nhưng khi sản xuất và lưu thông trên thị trường lại sử dụng các chủng vi sinh hoạt lực thấp làm mất lòng tin của người sử dụng;
– Tình trạng trộn thuốc hóa học vào thuốc sinh học đã đăng ký để bán;
– Thuốc sinh học bị lẫn tạp với các vi sinh vật khác;
– Thuốc chất lượng thấp, không đạt yêu cầu so với đăng ký ban đầu do nhiều nguyên nhân.
Chính vì vậy, cùng với chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV sinh học, Trung Quốc rất quan tâm đến công tác thanh kiểm tra để đảm bảo chất lượng thuốc trên thị trường.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam
https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/nghien-cuu-va-su-dung-thuoc-bvtv-sinh-hoc-kinh-nghiem-an-do-trung-quoc-d386601.html