Mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh Cục Bảo vệ thực vật) |
Những năm qua, ngành thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Một số dự án sản xuất thử nghiệm nhằm chuyển giao ứng dụng vào thực tế sản xuất đã được hoàn thiện như: Công nghệ sản xuất, ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ tuyến trùng và nấm hại rễ hồ tiêu, cà-phê; công nghệ sản xuất, ứng dụng chế phẩm BIOFUN để phòng trừ rệp sáp hại cà-phê; công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh vật phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn trên lạc; sản xuất chế phẩm Chaetomium CP2-VMNPB phòngtrừ nấm bệnh hại rễ cây chè và cà-phê; nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-VAAS. Bên cạnh đó, còn có các đề tài nghiên cứu sản xuất chế phẩm Chaetomium trừ nấm gây bệnh trên cây chè, cà-phê và cao su.
Trong đó, một số các chế phẩm sinh học, thảo mộc và sản phẩm phi hóa học đã được ứng dụng trong phòng trừ tổng hợp sinh vật gây hại như: Bả Protein ENTO-Pro trừ ruồi đục quả; chế phẩm bón gốc vi sinh SH-1; SH-BV1 trừ tuyến trùng hại rễ; BIOFUN1 và BIOFUN2 trừ các loại rệp, rầy, mối… hại cây trồng; Phyto-PP1 trừ bệnh mất mủ cao su…
Đánh giá về thực trạng nghiên cứu, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước hiện nay, các chuyên gia ngành thuốc bảo vệ thực vật cho rằng, mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực nhưng lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều yếu kém. Việc chuyển giao, ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất. Có trường hợp được ứng dụng nhưng lại không thể phát triển và sử dụng lâu dài. Nguyên nhân chủ yếu do giá thành sản phẩm cao, thiếu tính cạnh tranh, hiệu lực phòng trừ thấp, tính ứng dụng kém, thời gian bảo quản ngắn, khâu quảng bá sản phẩm thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất, chuyển giao các thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn khó khăn, thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp, liên kết giữa các thành phần sản xuất, nhất là với các doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn khi chuyển giao và ứng dụng. Phần lớn nghiên cứu thử nghiệm chỉ dừng ở quy mô phát hiện tiềm năng của sản phẩm trong phòng thí nghiệm và để vào “ngăn kéo”, chưa có các bước nghiên cứu chuyên sâu, sản xuất ra thuốc thành phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất ở quy mô lớn và đưa được ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Thiếu những đánh giá tác động, kết quả nghiên cứu, điều tra, thử nghiệm, đề xuất giải pháp thay thế các thuốc bảo vệ thực vật hóa học có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường bị loại bỏ khỏi danh mục.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo thống kê, lượng nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật sinh học của nước ta năm 2020 là 21,9 nghìn tấn, trị giá 89,4 triệu USD; năm 2021 tăng lên 28,2 nghìn tấn, trị giá 113,8 triệu USD; năm 2022 là 25,2 nghìn tấn, trị giá 111,2 triệu USD. Chỉ có các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thành phần hữu hiệu là các vi sinh được sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, mỗi năm, ngành thuốc bảo vệ thực vật tốn rất nhiều kinh phí để phục vụ việc nghiên cứu, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhìn lại cả chặng đường vừa qua chỉ có một số ít các đề tài được chuyển giao, ứng dụng thành công. Nhiều đề tài dừng lại trong phòng thí nghiệm, gây lãng phí lớn.
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất, Chủ tịch Hội các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các đơn vị nghiên cứu cần lựa chọn công nghệ có tiềm năng, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất; ưu tiên những công nghệ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học (thảo mộc và vi sinh vật) quy mô công nghiệp từ nguồn nguyên liệu bản địa phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn và hữu cơ. Nhà nước, doanh nghiệp nên đặt hàng cho các viện/trung tâm nghiên cứu thông qua hình thức đấu thầu; đầu tư tập trung có trọng điểm, tập trung kinh phí, không dàn trải để tạo ra được sản phẩm cụ thể, chất lượng cao, có khả năng ứng dụng chứ không dừng lại ở việc phát hiện tiềm năng. Các viện, trung tâm, tổ chức nghiên cứu khi được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm tạo ra. Những đơn vị này nên phối hợp doanh nghiệp theo hình thức liên doanh liên kết, hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường sản phẩm. Nhà nước tạo điều kiện về đăng ký sản phẩm, miễn thuế kinh doanh một số năm đầu, giúp cho việc hạ giá thành sản phẩm để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát, đánh giá về thực trạng nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như hiệu quả đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây. Từ đó, phân loại những dự án, đề tài nghiên cứu đạt hiệu quả, không đạt hiệu quả. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng lựa chọn đơn vị thực hiện để việc đầu tư đạt hiệu quả ■