11 Hội, Hiệp hội đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết về các vấn đề nội tại liên quan đến các cơ chế, chính sách của ngành nông nghiệp.
Lắng nghe
Sáng 7/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNTNguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp với đại diện các Hội và Hiệp hội trong ngành nông nghiệp và tổ chức có liên quan đến thương mại nông sản nhằm lắng nghe những vấn đề nội tại của ngành, cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời gian qua Bộ NN-PTNT đã thành lập tổ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các tổ công tác trực tiếp trao đổi, gặp gỡ để chia sẻ về những vấn đề bất cập. Nhờ đó, Bộ thấy rằng có 7 Nghị định và 2 Thông tư cần phải sửa đổi. Ngoài ra, các Hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã gửi ý kiến để trao đổi về các vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Bộ NN-PTTN đã tiếp thu và tổng hợp.
“Chúng tôi đã xác định được những vấn đề cần sửa trong các văn bản quy phạm pháp luật và sẽ tiến hành ngay trong thời gian từ tháng 7 đến cuối năm 2021”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTTN) cho biết, trong lần rà soát lần này, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm gồm đánh giá đề xuất hoàn thiện thể chế về đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa và đất lâm nghiệp; thể chế đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm đầu tư cho xây dựng cơ bản, đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chuyên đề trọng tâm thứ ba là rà soát đề xuất hoàn thiện các thể chế thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở rà soát của Bộ NN-PTNT cũng như được sự góp ý của các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, thông qua rà soát, Bộ NN-PTNT đã xác định được một số nội dung cần phải xử lý rất nhanh và khẩn trương trong tháng 7/2021. Ví dụ như về việc thẩm tra, thẩm định, giám sát, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận…
Những chia sẻ tâm huyết
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, hiện nay chúng ta chưa phân biệt rõ thực phẩm và sản phẩm tươi sống. Bởi vậy, nhiều sản phẩm là thực phẩm nhưng cơ quan chuyên ngành về thú y vẫn vào để kiểm dịch theo quy định.
Ở các quốc gia khác, họ quy định rất rõ thực phẩm là sản phẩm đã qua chế biến. Khi đó, việc nhập khẩu và xuất khẩu không cần kiểm dịch mà chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Bộ NN-PTNT cũng cần nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam, chia sẻ, thời gian qua Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc đã theo dõi rất sát tình hình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật tại doanh nghiệp, kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc.
“Khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói, Bộ NN-PTNT không chỉ muốn cải cách các văn bản mà muốn cải cách cả thái độ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, chúng tôi rất vui, tin tưởng và thấy được động lực để vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu đề ra”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho rằng, trong Thông tư số 10 có quy định là vacxin, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nghĩa là sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn).
Nhưng trên thực tế, đối với vật tư dành cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là đối với vacxin và thuốc thú y được sản xuất trong điều kiện là có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, có phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn GMP và có kho bảo quản đạt tiêu chuẩn GMP.
Quy trình sản xuất, khảo nghiệm, kiểm nghiệm đều phải đăng ký theo quy định, và sản phẩm được đóng gói rất cẩn thận trong quá trình bảo quản, lưu hành trên thị trường. Do đó, không nên để tất cả vật tư dùng trong thú y vào nhóm 2, giống như Bộ Y tế đã làm với các loại vật tư phục vụ y tế.
Bên cạnh đó, bà Hương kiến nghị Bộ NN-PTNT cần xem một cách thấu đáo đề nghị bãi bỏ việc công bố hợp quy thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, bởi theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm đã đăng ký lưu hành trên thị trường rồi thì không cần công bố hợp quy.
Về lĩnh vực quản lý thuốc bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng được ban hành từ đầu năm để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, với lý do chưa tổ chức họp Hội đồng tư vấn nên chưa ban hành được Danh mục. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của tổ chức, cá nhân.
Trước kiến nghị trên, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ rà soát lại hồ sơ, nếu chỉ còn thiếu phiên họp thì cân nhắc để ban hành sớm trong tháng 7/2021.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các Hiệp hội tiếp tục lấy ý kiến các thành viên, sau đó có văn bản đề xuất, góp ý với Bộ NN-PTNT những vấn đề cần sửa đổi để hoàn thiện các văn bản pháp luật. Bộ NN-PTNT sẽ căn cứ vào đó và tiếp thu, chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi.
“Về nguyên tắc, xây mới thì một lần nhưng sửa thì nhiều lần. Quan điểm của chúng tôi là không phải rà soát đủ hết, chuẩn hết rồi mới sửa. Cứ sửa đi nếu cần thiết, nhưng không nên sửa quá nhiều lần. Trên tinh thần ấy, chúng tôi cũng kiến nghị các hiệp hội lúc nào có vấn đề gì thì cứ gửi văn bản cho chúng tôi, chứ không phải Bộ có văn bản đề nghị thì các hội mới gửi về”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.