Hướng tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (1/1/1999- 1/1/2024) của báo Kinh tế và Đô thị, mới đây, tại TP.HCM, báo Kinh tế và Đô thị cùng Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) đã tổ chức tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị chia sẻ, thời gian qua để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như những yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới đối với nông sản của Việt Nam, nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất nông nghiệp (SXNN).

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn trong nông nghiệp, vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón vô cơ, chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng. Điều này dẫn đến nguy cơ mất ATTP, ô nhiễm môi trường.

Hướng tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn- Ảnh 1.

Ban Biên tập báo Kinh tế và Đô thị tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm với nhà quản lý và chuyên gia ngành nông nghiệp tại tọa đàm.

Thực tế cho thấy, thuốc BVTV có vai trò rất lớn trong phát triển SXNN. Tuy nhiên, sử dụng sai cách hoặc cố tình vi phạm nhằm thu lợi bất chính đã khiến thuốc BVTV bị hiểu sai về công dụng.

Trong bối cảnh này, báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với EPMA cùng các đơn vị chức năng tổ chức tọa đàm nhằm tăng cường tuyên truyền sao cho đúng, cho trúng và phổ biến rộng rãi để nông dân hiểu đúng, dùng đúng thuốc BVTV, thuốc thú y, chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất…

“Thời gian qua, báo Kinh tế và Đô thị nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung, đã triển khai nhiều bài viết, chuyên mục liên quan đến ATTP để truyền thông, nâng cao nhận thức nhà sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp. Thông qua tọa đàm, chúng tôi mong muốn đưa ra một góc nhìn về bức tranh ATTP trong SXNN, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai và các giải pháp phát triển SXNN bền vững, đáp ứng các yêu cầu ATTP và các tiêu chí của thị trường quốc tế”, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nói.

Thuốc BVTV được quản lý chặt chẽ tại Việt Nam

Ông Lê Văn Thiệt – Cục phó Cục BVTV Bộ NN&PTNT cho biết, thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong SXNN. Theo ước tính của tổ chức FAO, tổn thất mùa màng do các loài sinh vật hại cây trồng gây ra trên toàn thế giới hiện nay khoảng 40%. Việc sử dụng thuốc BVTV đã giúp nông dân giảm thiệt hại do sinh vật hại gây ra từ 35% – 42%. Trên thế giới và ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn được sử dụng như một trong những biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng và đạt hiệu quả kinh tế nhất.

Nhiều năm qua, ngành trồng trọt ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Để đạt được thành công nói trên, không thể không nhắc tới vai trò của thuốc BVTV được các doanh nghiệp cung ứng kịp thời yêu cầu của SXNN. Đây là nhân tố quan trọng giúp các địa phương trên cả nước kịp thời ngăn chặn, khống chế và dập tắt nhiều trận dịch hại trên cây trồng, góp phần bảo vệ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong công tác BVTV, các địa phương đã tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM/IPHM), các kỹ thuật: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, thâm canh lúa cải tiến (SRI), công nghệ sinh thái…, với nguyên lý hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.

Hướng tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn- Ảnh 2.

Mô hình trồng chuối bón phân hữu cơ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành: sản xuất theo chuỗi liên kết hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn…, phải sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học. Vì vậy, phải gia tăng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tập huấn sử dụng thuốc, truyền thông và nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học hiệu quả.

Báo chí góp phần giải oan cho thuốc BVTV

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc BVTV (VIPA) khẳng định, thuốc BVTV là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Để có một loại thuốc BVTV mới, từ khi nghiên cứu đến khi giới thiệu ra thị trường, các công ty phát triển phải mất hơn 11 năm với chi phí 283 triệu USD.

Tuy nhiên, thuốc BVTV là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Vì khi nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, nông dân từ thăm dò sử dụng đến lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp BVTV. Do lạm dụng thuốc BVTV, đã gây ô nhiễm nguồn nước và đất, để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật máu nóng; làm suy giảm tính đa dạng của sinh quần, làm xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới, tạo ra các sinh vật kháng thuốc…, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc BVTV bị giảm sút hoặc mất hẳn.

Ở Việt Nam, thuốc BVTV vẫn đang bị coi là nguyên nhân gây ra mọi hậu quả xấu trong nông nghiệp. Một số người thổi phồng quá đáng những hậu quả xấu do thuốc BVTV gây ra, như dư lượng thuốc BVTV trên nông sản gây mọi bệnh nan y (đặc biệt bệnh ung thư), và từ đó thuốc BVTV bị bài xích. Do đó, cần nhấn mạnh, trước khi một loại thuốc BVTV được lưu hành, nhà sản xuất phải vượt qua được hàng loạt đánh giá rất nghiêm ngặt về tác động, độ ATTP và sức khoẻ con người, môi trường. Nhiều nghiên cứu khẳng định, thuốc BVTV không gây ung thư hay bất cứ bệnh nguy hiểm nào nếu sử dụng đúng khuyến cáo.

Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu

Đánh giá cao vai trò của thuốc BVTV trong nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch VIPA ủng hộ chiến lược của Chính phủ trong việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững. Để chuyển sang hướng SXNN bền vững, nông dân cần được tiếp cận, làm chủ và sử dụng công nghệ có hiệu quả nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế, nâng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Cuộc cách mạng xanh khởi đầu từ hơn 4 thập kỷ qua đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng trong nông nghiệp; đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, giảm tuổi thọ cây trồng do sử dụng nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc phòng trừ bệnh hại cây trồng, các nhóm thuốc trừ cỏ dại.

“Hiện nay, Việt Nam sản xuất lượng phân hữu cơ quá ít so với nhu cầu. Mỗi năm ước tính ngành trồng trọt dùng gần 12 triệu tấn phân hóa học, thì phải cần đến 36 triệu tấn phân hữu cơ, nhưng chúng ta mới đáp ứng được gần 3 triệu tấn phân hữu cơ các loại. Do vậy, mong muốn Chính phủ cần sớm có Nghị định và chính sách mang tính đột phá dành cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ; sớm có một hệ thống chứng nhận có tính pháp lý, uy tín được nước ngoài chấp nhận để thuận lợi cho xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa kiến nghị.

Lê Hải – Hoàng An

https://doanhnghieptiepthi.vn/huong-toi-viec-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-an-toan-161231210152803538.htm