Phát triển công nghệ gia công và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học quy mô lớn là những hướng đi phù hợp cho ngành thuốc BVTV còn non trẻ của Việt Nam.
Tăng cường hội nhập quốc tế cho ngành thuốc BVTV
Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật”, do Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) tổ chức tại TP.HCM ngày 24/7, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Quản lý Thuốc bảo vệ thực vật (Cục BVTV) cho biết, ngành sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam còn khá non trẻ, mới bắt đầu phát triển trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ra đời và có hiệu lực năm 2015.
Đến nay, cả nước có 96 cơ sở sản xuất thuốc BVTV với tổng công suất hơn 300 nghìn tấn/năm, sản xuất được 31 dạng thuốc BVTV. Ngành thuốc BVTV hiện vẫn chưa chủ động sản xuất được hoạt chất, quy mô sản xuất nhìn chung còn thấp và phân bố không đồng đều làm gia tăng chi phí vận chuyển. Hiện vẫn chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô lớn.
Trong khi đó, quy mô thị trường thuốc BVTV ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường thuốc BVTV tại Việt Nam ước tính đạt 558,74 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 682,95 triệu USD vào năm 2029.
Trong bối cảnh ấy, Cục BVTV tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc BVTV tại Việt Nam” nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc BVTV, đặc biệt là sản xuất các thuốc BVTV sinh học giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy hợp tác phát triển sản xuất thuốc BVTV. Qua đó đưa ngành thuốc BVTV Việt Nam hướng đến làm chủ công nghệ sản xuất các loại thuốc BVTV tiên tiến, sản xuất các thuốc BVTV sinh học với quy mô lớn, hiệu quả cao, độc tính thấp, an toàn với con người, hệ sinh thái và môi trường.
Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa lớn nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục BVTV và Cơ quan Quản lý hóa chất nông nghiệp Trung Quốc (ICAMA). Nhiều năm qua, Trung Quốc là nước cung cấp thuốc và hoạt chất BVTV lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng nhập khẩu thuốc BVTV.
Phát triển công nghệ gia công và thuốc BVTV sinh học quy mô lớn
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam chia sẻ, để đưa một hoạt chất thuốc BVTV ra thị trường, mỗi công ty thành viên của CropLife cần trung bình 301 triệu USD và mất 12,3 năm. Con số này đều đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn khảo sát trước đó. Nếu xét riêng về chi phí thì chi phí hiện tại đã tăng 25 lần so với mức đầu tư của 20 năm trước.
Trong đó, thời gian và chi phí dành cho các bước đánh giá an toàn và đăng ký sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thời gian và chi phí để giới thiệu một hoạt chất BVTV mới. Điều này cho thấy các công ty ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về hiệu quả, tính an toàn và mức độ phù hợp mỗi khi cho ra đời một công nghệ BVTV mới. Bên cạnh đó, các thành viên của CropLife Việt Nam đang không ngừng gia tăng chi phí đầu tư vào các hoạt động R&D (tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới) thuốc BVTV sinh học, từ 16 triệu đô la lên 26 triệu đô, tăng 62,5% so với mức của nghiên cứu trước đó.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cũng cho biết, để có được một hoạt chất bảo vệ thực vật mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất lớn để đầu tư trang thiết bị, nhân lực… Do đó, xu hướng của các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thuốc BVTV là tập trung vào khâu gia công, phối trộn, tạo ra những sản phẩm thuốc BVTV mới đáp ứng được các yêu cầu về hiệu lực sinh học, an toàn cho nông sản, cho con người và môi trường.
Đẩy mạnh gia công tiến tới làm chủ công nghệ cũng được ngành thuốc BVTV coi là một trong những giải pháp phù hợp nhất hiện nay.
“Thúc đẩy sản xuất thuốc BVTV sinh học quy mô lớn là một trong những hướng đi phù hợp cho sự phát triển của ngành thuốc BVTV Việt Nam, vì nước ta có nguồn vi sinh vật, thảo dược dồi dào, chất lượng tốt để có thể sản xuất các loại thuốc BVTV sinh học có hiệu quả cao. Sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng đang là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), hàng năm, nước ta phải nhập một lượng thành phẩm thuốc BVTV đáng kể để tiêu dùng trong nước. Do đó, việc phát triển công nghệ gia công thuốc BVTV ở Việt Nam là rất quan trọng, cho phép chúng ta chủ động cung ứng thuốc BVTV kịp thời cho nhu cầu trong nước, tạo được dạng thuốc thích hợp để phòng trừ dịch hại, bảo đảm được chất lượng thành phẩm, đáp ứng yêu cầu của công tác BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững, nông sản an toàn. Việc này giúp chúng ta từng bước làm chủ và phát triển công nghệ gia công, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất, gia công thuốc BVTV.
Ông Sơn nhấn mạnh, để phát triển được công nghệ gia công thuốc BVTV tại Việt Nam, trong thời gian tới cần phải phát huy nội lực sẵn có, đẩy mạnh việc học tập các công nghệ mới và tăng cường hợp tác quốc tế.
“Khi xây dựng Đề án phát triển sản xuất và ứng dụng thuốc BVTV sinh học, Bộ NN-PTNT đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao, ứng dụng thuốc BVTV sinh học; tăng cường công tác khuyến nông về sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học… Mục tiêu là nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc BVTV sinh học trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc BVTV”.
(Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV).
https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/hai-huong-di-phu-hop-cho-nganh-thuoc-bao-ve-thuc-vat-d393991.html