Hầu hết thuốc có thành phần hữu hiệu đều sản xuất trong nước
– Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%. Lộ trình này được triển khai đến đâu, thưa ông?
– Hiện nay, Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có 1.084 hoạt chất với 4.021 tên thương phẩm, trong đó thuốc sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18,26%. Một số công nghệ sản xuất thuốc sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Nano, Chitosan, chế phẩm virus nhân đa diện NPV, chế phẩm vi sinh, chế phẩm nấm đối kháng, chiết xuất từ thảo mộc…
Trong 3 năm gần đây, các sản phẩm thuốc BVTV sinh học đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm đăng ký tăng đều. Năm 2017 có 35 hồ sơ, năm 2018 có 22 hồ sơ đăng ký, năm 2019 tăng lên 50 hồ sơ. Đáng chú ý, thuốc sinh học được đăng ký sử dụng cho rau chiếm khoảng 50% tổng số thuốc sinh học.
Hàng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 15 nghìn tấn, chiếm 15%; thuốc sinh học được sản xuất trong nước khoảng 5 nghìn tấn. Đặc biệt, các loại thuốc có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật có ích hầu hết được sản xuất trong nước. Dẫu vậy, thuốc sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh trên đồng ruộng được sử dụng vẫn còn hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8 – 10% tổng lượng thuốc. Thói quen sử dụng thuốc hóa học vẫn là điểm yếu nhất đối với công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua trong thời gian tới cần tập trung mọi nỗ lực để khắc phục.
– So với các nước trong khu vực và thế giới, “bản đồ” thuốc BVTV sinh học của Việt Nam đang ở đâu, thưa ông?
– Ở các quốc gia phát triển, thuốc BVTV sinh học ngày càng được sử dụng nhiều để thay thế thuốc hóa học. Ví dụ Hoa Kỳ, Canada, Mexico… sử dụng 45% thuốc sinh học; các nước thuộc Liên minh châu Âu sử dụng khoảng 20% tổng số thuốc sinh học trên toàn cầu.
So với các nước có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng thuốc sinh học ở Việt Nam còn khá ít ỏi. Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, theo báo cáo năm 2016, Việt Nam đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học. Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuốc sinh học sang hơn 9 quốc gia, năm 2019 xuất khẩu 930 tấn (chiếm 5,8% lượng thuốc BVTV xuất khẩu) vào các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Lào, Myanmar, Trung Quốc và các nước khác.
Năm 2019, ước tính thị trường thuốc BVTV sinh học ở nước ta có giá trị 30,7 triệu USD, đến năm 2024 sẽ đạt 65,7 triệu USD với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm. Con số nằm hoàn toàn trong khả năng do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, yêu cầu của thị trường và những thay đổi trong sản xuất chuỗi.
Coi trọng các biện pháp kỹ thuật thân thiện môi trường
– Chúng ta có những chính sách nào hỗ trợ, khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học, thưa ông?
– Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc BVTV sinh học, ít độc hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững.
Mô hình trồng rau thông minh bằng các chế phẩm sinh học tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) |
Chính phủ đã ban hành các nghị định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nhằm cắt giảm điều kiện sản xuất đối với thuốc sinh học. Các cơ sở sản xuất thuốc sinh học có hoạt chất là vi sinh vật có ích được miễn Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nhưng vẫn phải bảo đảm các điều kiện về môi trường và phòng chống cháy nổ.
So với thuốc hóa học, thuốc sinh học được hưởng một số hình thức khuyến khích như được đăng ký trên tất cả các loại cây trồng; được giảm số lượng khảo nghiệm hiệu lực sinh học, khảo nghiệm xác định thời gian cách ly; giảm lượng hồ sơ tài liệu kỹ thuật đăng ký; giảm phí và thời gian đăng ký.
Ngoài ra, theo quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, thuốc sinh học cũng được miễn giảm thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển thuốc BVTV.
– Ngành trồng trọt chiếm hơn một nửa trong số 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Nếu không đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV, chắc chắn không thể có con số ấn tượng trên. Ông có cho rằng thuốc BVTV sinh học là phương án bền vững nhất để vượt qua các hàng rào kỹ thuật và vào được thị trường khó tính không?
– Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ… đang nhập khẩu nhiều nông sản đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Để vượt qua hàng rào kỹ thuật này, sự lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất của người sản xuất và xuất khẩu nông sản là tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học để giảm dần thuốc hóa học trong sản xuất.
Nói cách khác, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường ở trong và ngoài nước là động lực và áp lực khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học. Giải pháp bền vững và chủ động nhất trong công tác BVTV hiện nay là áp dụng chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó coi trọng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và thiên địch, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thật sự cần thiết và nâng cao ý thức trong việc sử dụng các thuốc sinh học.
Đây là một xu thế khách quan, tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng là một cơ hội và động lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung ứng các loại thuốc BVTV sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững tại Việt Nam.
– Xin cảm ơn ông!