08/12/2023
EPMA đồng hành cùng báo chí truyền thông về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp
Tuyên truyền đúng và hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm “An toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp qua góc nhìn báo chí và truyền thông”. Chương trình do EPMA – Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam phối hợp đồng hành cùng báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 8/12.
Hướng tới một nền nông nghiệp xanh và an toàn
Theo Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp là đòi hỏi hàng đầu của người tiêu dùng và là tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường lớn trên thế giới đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong những năm gần đây. Ngành nông nghiệp mặc dù đã có những nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn nhưng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong trồng trọt và chăn nuôi vẫn còn phổ biến.
Bên cạnh đó, việc sử dụng sai cách, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm để nhằm thu lợi bất chính đã khiến các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm, … bị nhìn nhận sai về vai trò và công dụng. Vì vậy, công tác tuyên truyền trên báo chí để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất là rất cần thiết.
Tuyên truyền đúng và hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc đổi mới, đa dạng phương thức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuân thủ các quy định của ngành nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, … là ưu tiên hàng đầu. Các giải pháp này góp phần giúp cho các mặt hàng tiêu dùng, nông sản đến với người tiêu dùng ngày càng an toàn hơn và gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) khẳng định thuốc bảo vệ thực vật là là một trong các loại sản phẩm được đánh giá an toàn nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Trước khi một sản phẩm mới được lưu hành, các nhà sản xuất phải vượt qua được hàng loạt những đánh giá rất nghiêm ngặt về hiệu quả tác động, độ an toàn về thực phẩm và sức khoẻ con người, với môi trường.
Người nông dân cần hiểu đúng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp
Tuy nhiên ở Việt Nam, đa số thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang bị coi là “tội đồ”, nguyên nhân gây ra mọi hệ lụy xấu trong nông nghiệp. Ngoài ra, có nhiều ý kiến quan điểm đã “thổi phồng quá đáng” những hậu quả xấu do thuốc bảo vệ thực vật gây ra. Ông Sơn cho biết: “Không thể phủ nhận rằng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nhưng điều đó nó cũng liên quan đến việc một số nông dân ỷ lại vào tính năng thuốc, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp bảo vệ thực vật khác”. Điều đó dẫn đến nhiều mặt tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật như: gây ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc cho người và nhiều loài động vật; gây mất sự cân bằng trong tự nhiên…
Hiểu được điều này, thời gian qua, báo chí đã đồng hành cùng Hiệp hội và doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật đã đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng và nông dân hiểu rõ về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó là việc đẩy mạnh các hoạt động tập huấn thường xuyên cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả “Mục tiêu là hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng kỹ thuật để phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường!” – ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Chủ tịch Croplife nêu một quan điểm khác đó là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, … thì việc các tin tức giả được lan truyền nhanh và rộng trên các nền tảng này, tạo hệ lụy không nhỏ đến xã hội, người sản xuất. “Không thể phủ nhận rằng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã góp phần phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và nông nghiệp sạch. Nó đồng hành cùng các cơ quan truyền thông như báo, đài phát thanh và truyền hình, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành nông nghiệp.” – ông Bảo cho biết thêm.
Giữa “ma trận” thông tin thật – giả lẫn lộn, vai trò tuyên truyền của các báo đài ngày càng quan trọng hơn trong việc đưa thông tin có kiểm chứng tới cộng đồng người nông dân. Nó không chỉ giúp định hình nhận thức đúng đắn, đầy đủ về thuốc bảo vệ thực vật mà còn giữ vai trò phản biện, cảnh báo và phản ánh những bất cập về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, … để các cơ quan nhà nước có rà soát điều chỉnh chính sách quản lý ngày càng tốt hơn.
(Nhóm PV EPMA)
EPMA đồng hành cùng báo chí truyền thông về vấn đề an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp