Bát nháo thuốc diệt côn trùng ‘đội lốt’ thuốc BVTV

Nhiều sản phẩm diệt côn trùng trong lĩnh vực y tế gia dụng được gắn nhãn mác ‘đội lốt’ thuốc BVTV và tuồn sang kinh doanh, sử dụng trái phép trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên không cho phép, bên cho phép

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV), thời gian gần đây, Cục đã nhận được rất nhiều phản ánh từ các địa phương về tình trạng quảng cáo, kinh doanh, sử dụng trái phép các chế phẩm đăng ký diệt côn trùng trong lĩnh vực y tế gia dụng để kinh doanh, buôn bán và sử dụng trong phòng trừ các sinh vật gây hại cây trồng trong nông nghiệp.

Theo công bố của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) (trang https://vihema.gov.vn) các chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế hiện nay có khoảng 1.543 chế phẩm, trong đó có 1.300 chế phẩm diệt côn trùng đang còn hạn sử dụng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Ảnh: TL.

Cơ quan chức năng kiểm tra một đại lý kinh doanh thuốc BVTV. Ảnh: TL.

Hiện nay, một số hoạt chất như acephate, diazinon, trichlofon, beta-cyfluthrin, cyfluthrin, malathion, chlorpyrifos ethyl, fipronil… Bộ NN-PTNT đã loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV từ năm 2018, 2019. Tuy nhiên trong lĩnh vực y tế, các hoạt chất này vẫn đang được cho phép sử dụng đến năm 2022.

Do trong lĩnh vực y tế vẫn còn cho phép sử dụng, nên thời gian qua, đã có tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế “tuồn” các sản phẩm này sang tiêu thụ trái phép tại các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV.

Theo phản ánh của một số Chi cục BVTV, hoạt động chào bán, khuyến cáo chế phẩm diệt côn trùng (chỉ được dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế) “đội lốt” thuốc BVTV để buôn bán, kinh doanh và sử dụng trong phòng sinh vật hại cây trồng diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng trên địa bàn các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang…

Chế phẩm diệt côn trùng do cơ quan chức năng thu giữ được bán trái phép tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại ở huyện An Phú (An Giang). Ảnh: LHV.

Chế phẩm diệt côn trùng do cơ quan chức năng thu giữ được bán trái phép tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại ở huyện An Phú (An Giang). Ảnh: LHV.

Đơn cử như mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai qua thanh kiểm tra đã phát hiện hàng loạt các chế phẩm diệt côn trùng trong lĩnh vực gia dụng y tế được buôn bán trái phép tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và thuốc BVTV.

Có thể kể tới một số sản phẩm như: Chế phẩm diệt côn trùng Samper Gold 55 0EC, hiệu Vua Ruồi Muỗi, sản xuất ngày 27/02/2020 do Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Gia Phú (số 40/17/9 Đường số 7, Khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM.) đăng ký, sản xuất và phân phối.

Sản phẩm Hoạt chất diệt côn trùng Santoso 100SC hiệu Siêu Bọ Trĩ sản xuất ngày 01/04/2020, và hạn sử dụng 03  năm do Công ty Cổ phần Thương mại Vina Thái (35/51A1, Nguyễn Thị Búp, phường Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM) phân phối và chịu trách nhiệm; Hoạt chất diệt côn trùng Santoso 100SC (hiệu Vẹt Xanh), loại chai 480 ml, sản xuất ngày 01/08/2019, hạn sử dụng 03 năm (giá 95.000 đ/chai) của Công ty Cổ phần Tỷ Phúc Thịnh (số 41, đường số 6, ấp 3, Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. HCM).

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện hàng loạt sản phẩm vi phạm tương tự như: Chế phẩm diệt côn trùng SAMPER GOLD 550EC; DELTA GOLD, OVERRAGON và Santoso 100SC (hiệu Cú đấm thép)… đều là các sản phẩm đăng ký diệt côn trùng nhưng được buôn bán và quảng cáo như các thuốc BVTV.

Quảng cáo, ghi nhãn lập lờ

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết, không chỉ buôn bán, kinh doanh trái phép sang lĩnh vực BVTV, một số sản phẩm diệt côn trùng được doanh nghiệp đặt tên gây hiểu lầm về công dụng, khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn đây là các sản phẩm thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp như: Nano-nhendohaicam, Sau-Ray-Nhen-Botri, Nano-repsap, Nano-botriusa, Nano-huydietsau, Repsap, Nhendonhenvang, Chetray, Chetsau, Dietsaunhen, Hetsau, Chimsau, Vuasauray, Trusau, Dietsau, Nhendoc, nano-repsap….

Xem tên sản phẩm và thông tin bao bì sản phẩm này, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là thuốc trừ sâu dùng cho trồng trọt. Ảnh: Cục BVTV.

Xem tên sản phẩm và thông tin bao bì sản phẩm này, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là thuốc trừ sâu dùng cho trồng trọt. Ảnh: Cục BVTV.

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế thì không được đặt tên thương mại của chế phẩm với ý nghĩa không phù hợp với hiệu lực và tính an toàn của chế phẩm đó.

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, qua quá trình thanh tra, kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở các địa phương, đã phát hiện một số loại chế phẩm, sản phẩm mặc dù được doanh nghiệp đăng ký sử dụng trong lĩnh vực y tế gia dụng nhưng lại ghi thêm nội dung trên trên nhãn, bao bì thể hiện các tính năng, công dụng, kết hợp với hình ảnh tiếp thị, quảng cáo, hướng dẫn sử dụng, kinh doanh như là thuốc BVTV.

Điều này khiến người dân nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là thuốc BVTV và đâu là chế phẩm, thuốc diệt côn trùng, dẫn tới sử dụng sai mục đích.

Ông Đạt nhấn mạnh: Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Do vậy, cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ NN- PTNT, Sở NN-PTNT, thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật không có thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo đối với các sản phẩm này.

Điều này đang gây rất nhiều khó khăn lúng túng cho công tác kiểm tra, xử lý, quản lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Nhiều nguy cơ, hệ lụy cho nông nghiệp

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt: Tình trạng trên cũng đang gây ra rất nhiều nguy cơ, hệ lụy đối với sản xuất nông nghiệp. Bởi các sản phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế không phải là thuốc BVTV, nên không có tác dụng để phòng trừ các sinh vật gây hại trong nông nghiệp, không đáp ứng được các quy định và nguyên tắc về thuốc BVTV (như tính đúng thuốc, đúng phạm vi đăng ký, đúng liều lượng… ) dẫn tới sử dụng không hiệu quả, có nguy cơ cao để lại dư lượng trong nông sản.

Là thuốc diệt côn trùng, chỉ sử dụng trong gia dụng y tế, nhưng nhãn mác sản phẩm này không khác gì thuốc BVTV. Ảnh: Cục BVTV.

Là thuốc diệt côn trùng, chỉ sử dụng trong gia dụng y tế, nhưng nhãn mác sản phẩm này không khác gì thuốc BVTV. Ảnh: Cục BVTV.

Đặc biệt, có những hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nghiêm trọng hơn, có thể gây nên tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc đối với sinh vật gây hại cần phòng trừ.

Ngoài ra, tình trạng này cũng làm tăng chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị sản phẩm nông sản, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xuất nhập khẩu nông sản.

Vấn đề này còn làm cho các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt đưa ra khuyến nghị: Đối với người dân, cần hiểu rõ những sản phẩm này không phải thuốc BVTV, chỉ được phép kinh doanh, buôn bán trong lĩnh vực y tế và gia dụng.

Bên cạnh đó, ông Đạt cũng đề nghị Bộ Y tế cần có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thêm các chính sách, công cụ để thắt chặt quản lý, kiểm soát việc lưu hành các sản phẩm diệt côn trùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Ngoài ra, cần có sự phối hợp kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng liên quan như Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm để đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh các hóa chất này đúng quy định.

https://nongnghiep.vn/bat-nhao-thuoc-diet-con-trung-doi-lot-thuoc-bvtv-d309172.html